-
×
-
-
Tổng : 0
-
Bất cứ ai quan tâm đến kinh doanh và công nghệ đều thừa nhận rằng trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo nên một làn sóng thay đổi lớn trong cuộc sống hàng ngày và các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, để tận dụng được hiệu quả tiềm năng của công nghệ này lại là một bài toán đối với nhiều doanh nghiệp (DN).
Theo dự báo của PwC, đến năm 2030, AI có thể bổ sung thêm 15.000 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù tiềm năng và tầm ảnh hưởng của công nghệ này ngày càng lớn, nhiều DN vẫn đang đối mặt với khó khăn trong việc triển khai nó một cách hiệu quả.
Theo kinh nghiệm làm việc với các DN toàn cầu để triển khai các dự án AI và các sáng kiến dựa trên dữ liệu của Bernard Marr - nhà tương lai học, cố vấn chiến lược kinh doanh, công nghệ cho nhiều tổ chức hàng đầu thế giới như Microsoft, Google và Liên Hợp Quốc, sự thiếu chuẩn bị là nguyên nhân chính khiến nhiều DN gặp khó khăn. Sự hứng thú hoặc lo sợ bỏ lỡ thường dẫn đến việc các DN bỏ qua hoặc bỏ sót những bước cơ bản quan trọng trong quá trình xây dựng chiến lược ứng dụng AI.
Theo Marr, có 5 lĩnh vực quan trọng trong quá trình chuẩn bị, giúp các DN nâng cao giá trị tổng thể và cơ hội thành công khi triển khai AI.
Ông Bernard Marr cho biết, hãy bắt đầu với thông điệp quan trọng nhất – chiến lược AI phải luôn phù hợp với các mục tiêu kinh doanh bền vững. Hiện tại có rất nhiều sự cường điệu xung quanh công nghệ AI và nhiều lo ngại với “Hội chứng sợ bỏ lỡ” (Fear Of Missing Out - FOMO). Tuy nhiên, quyết định triển khai AI không nên bị chi phối bởi điều này, mà nên dựa vào khả năng giải quyết các vấn đề cụ thể của DN.
Điều này có nghĩa là những người ra quyết định phải có khả năng xác định các ưu tiên, cũng như hiểu biết rộng rãi về cách AI (hoặc bất kỳ công nghệ nào họ đang xem xét) có thể giải quyết vấn đề của DN.
Ví dụ, AI có thể cải thiện hiệu suất kinh doanh, tăng trưởng, sự hài lòng của khách hàng, đổi mới trong sản phẩm và dịch vụ, giảm lãng phí, hoặc cải thiện bền vững. Do đó, quyết định triển khai AI cần dựa trên nhận diện rõ về những thách thức của DN mình và giải pháp cụ thể.
Một điển hình về DN sử dụng hiệu quả và đúng cách chiến lược AI là Amazon. Công ty này nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng các đề xuất sản phẩm và hệ thống logistics hiệu quả. Hay Netflix, tạo ra các đề xuất nội dung được cá nhân hóa nhằm thu hút và giữ chân người đăng ký.
Trong thời đại AI, thành công hay thất bại của DN phụ thuộc vào khả năng xác định vấn đề quan trọng và đưa ra giải pháp giải quyết phù hợp. Ông Bernard Marr nhấn mạnh, đảm bảo những kỹ năng này được áp dụng trong các nhóm lãnh đạo và người ra quyết định là một yếu tố quan trọng trong quá trình chuẩn bị xây dựng một chiến lược AI hiệu quả và thành công cho DN.
Là một điều rất tự nhiên và không thể tránh khỏi khi một số người e ngại hoặc không có thiện cảm với công nghệ AI. Bất kỳ DN nào hy vọng được hưởng lợi từ AI đều cần hiểu rằng ngoài những thách thức về công nghệ, còn có những câu hỏi xung quanh về vấn đề đạo đức và ảnh hưởng xã hội cần phải giải quyết.
Để làm được điều này, DN có thể thực hiện các chiến lược và chương trình đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cũng như hiểu biết của nhân viên về AI. Điều quan trọng là phải để nhân viên nhận thức được rằng, công nghệ này sẽ tăng cường và hỗ trợ chúng ta, thay vì thay thế chúng ta.
Như giáo sư và nhà tiên phong về AI Yoshua Bengio đã nói: “Giá trị của AI tại nơi làm việc vượt xa sự tự động hóa. Đó là nâng cao trí thông minh của con người, giúp người lao động đưa ra quyết định tốt hơn và thúc đẩy văn hóa đổi mới và giải quyết vấn đề hiệu quả hơn”.
Theo Marr, khía cạnh văn hóa là rất quan trọng. Tầm nhìn AI trong DN cần thúc đẩy văn hóa đổi mới và giải quyết vấn đề hiệu quả hơn, chứ không phải thay thế con người. Nếu một công ty có một nền văn hóa được đánh giá cao thì công ty đó sẽ có cơ hội tốt để hưởng lợi từ cuộc cách mạng AI.
Có sẵn các kỹ năng phù hợp là một nền tảng quan trọng để triển khai các dự án AI, có thể là thuê người mới, nâng cao kỹ năng cho những nhân viên hiện có hoặc xây dựng mối quan hệ đối tác với các DN khác để hỗ trợ nâng cao kỹ năng.
Mặc dù, việc hợp tác với các chuyên gia có thể đẩy nhanh quá trình học tập, nâng cao kỹ năng nhưng đối với nhiều tổ chức, họ cũng cần tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ việc học tập và phát triển kỹ năng liên tục của riêng mình. Mọi thứ thay đổi nhanh chóng và lực lượng lao động cần được chuẩn bị không chỉ cho những gì đang diễn ra mà còn cho cả những thay đổi trong tương lai.
Để sẵn sàng hưởng lợi từ AI, DN cần phải hiểu rõ và có câu trả lời cho những câu hỏi về vấn đề đạo đức trong quá trình ứng dụng AI. AI ảnh hưởng thế nào đối với con người, cả với khách hàng cũng như lực lượng lao động? Tác động của nó đối với quyền riêng tư là gì? Sự nguy hiểm của sự thiên vị AI là gì và làm cách nào để giảm thiểu chúng?
Theo Marr, điều này có nghĩa là các DN phải cam kết thực hiện triển khai các dự án AI có đạo đức và xây dựng các chính sách, hướng dẫn nội bộ chính thức. Việc có sẵn các quy trình để thường xuyên kiểm tra và đánh giá cách AI đang được sử dụng cũng như tác động của nó là điều cần thiết.
Những nhà sáng tạo ChatGPT tại OpenAI đã đưa ra những biện pháp bảo vệ nhằm giảm thiểu nguy cơ sản phẩm của họ bị sử dụng để gây tổn hại cho xã hội - chẳng hạn như bằng cách kích hoạt bạo lực, hận thù hoặc phân biệt đối xử.
Theo thời gian, những tiêu chuẩn này có thể thay đổi. Vì vậy, điều quan trọng là các DN, tổ chức cần có các quy trình để hiểu tác động của AI đối với công việc và cuộc sống của chúng ta như thế nào, từ đó có những điều chỉnh chính sách cũng như biện pháp bảo vệ phù hợp với những thay đổi đó.
Dữ liệu là nhiên liệu của AI và để đảm bảo nó hoạt động hiệu quả, dữ liệu cần phải mạnh mẽ, toàn diện và sạch sẽ. Điều này liên quan đến kỹ năng quản lý dữ liệu.
Theo Marr, cho dù chúng ta làm việc với dữ liệu được lưu giữ tại cơ sở, trên đám mây hay áp dụng phương pháp kết hợp, các DN đều phải hiểu rõ về các khía cạnh kỹ thuật của việc thu thập, lưu trữ và xử lý lượng dữ liệu lớn.
Như Matt Hicks, CEO của Red Hat chia sẻ, ngày nay bất kỳ ai cũng có thể sử dụng chatbot AI để bắt đầu tận dụng tiềm năng của AI. Tuy nhiên, những người muốn dẫn đầu phải có khả năng tạo sự khác biệt. Từ góc độ kỹ thuật, điều này có nghĩa là cần có cơ sở dữ liệu và hạ tầng phân tích dữ liệu tốt hơn, hiệu quả và mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải có khả năng bảo vệ dữ liệu an toàn. Đặc biệt khi lưu trữ dữ liệu cá nhân (thường là những dữ liệu có giá trị nhất), khả năng xảy ra vi phạm có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về kinh doanh và xử phạt từ pháp luật, cũng như mất lòng tin nghiêm trọng từ khách hàng.
Do đó, theo Marr, các DN cần có các chính sách quản trị dữ liệu nghiêm ngặt để giải quyết các vấn đề về quyền riêng tư, cũng như các quy định rõ ràng về việc lưu trữ, thu thập và chia sẻ dữ liệu.
Cuối cùng, một cách tiếp cận hoàn thiện và mạnh mẽ để quản lý dữ liệu là yếu tố chính để đảm bảo DN hoặc tổ chức sẵn sàng gặt hái những lợi ích của AI./.
0 bình luận